"Trước Tết, giúp việc nhà tôi xin nghỉ nên giờ chẳng có ai trông nom bọn trẻ. Từ đây về Hải Dương mất hai tiếng, chẳng còn xe khách nên tôi tự lái xe về đón bà, dù trời tối", anh Tuấn - ông bố hai con nói đồng thời phàn nàn thêm, việc cho học sinh nghỉ quá đột ngột khiến nhiều gia đình không kịp trở tay. Tại khu chung cư nơi gia đình anh sinh sống, nhiều phụ huynh đang náo loạn vì không biết sẽ gửi con ở đâu để đi làm.
Cũng phải dùng đến "viện binh" là ông bà nhưng chị Hồ Phương, hàng xóm của anh Tuấn, sáng sớm nay xin nghỉ để đưa hai con về quê ngoại ở Phủ Lý, Hà Nam. "Tôi ủng hộ việc cho trẻ nghỉ học để phòng tránh bệnh, nhưng nếu thông báo sớm hơn thì đỡ cập rập", chị nói.
Hơn 20h ngày 2/2, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông báo cho hơn hai triệu học sinh từ mầm non tới THPT nghỉ học từ ngày 3 đến 9/2 để phòng dịch nCoV
Một học sinh THCS ở quận Nam Từ Liêm đến trường sáng 3/2 mới biết được nghỉ học.
Nhưng không phải ai cũng có may mắn như anh Tuấn và chị Phương, câu chuyện tìm cách trông con trở thành đề tài nóng bỏng và đau đầu của nhiều gia đình vào tối 2/2.
Chị Hải Minh, một công nhân ở quận Nam Từ Liêm lập tức gọi điện cho em gái đang nghỉ thai sản nhờ trông cậu con trai 7 tuổi. Cũng trong tối qua, em gái chị phải nhận trông thêm một đứa cháu là con của bà chị khác. Hải Minh hiểu, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế nên mối lo lắng tiếp theo của chị là nếu dịch diễn biến phức tạp, các con nghỉ học kéo dài thêm thì chưa biết phải làm sao. "Cô em gái đang chăm con nhỏ nên không thể bắt phải gánh thêm hai đứa trẻ khác mãi được", chị nói.
Tại khu chung cư của chị Phương Liên (Hai Bà Trưng, Hà Nội), một tầng có chín căn hộ, nhà nào cũng có con trẻ đang tuổi đi học. Ngay khi nhận được thông tin, trong group kín của tầng, hàng xóm gợi ý gom chung trẻ con vào một nhà rộng nhất rồi thuê người quen đến chăm nuôi. Mọi người thảo luận sôi nổi đến 12h đêm mới sắp xếp xong mọi việc. "Nhận được tin đó, tôi thở phào nhẹ nhõm", chị Liên nói.
Bà Tố Lan ở gần khu chung cư của chị Liên thấy hàng xóm náo loạn việc tìm chỗ trông con đã đăng thông báo nhận chăm trẻ từ 8h đến 18h tại nhà với giá 150.000 đồng mỗi cháu một ngày, nhưng cũng chỉ nhận được năm cháu. Thông tin này nhận được sự ủng hộ của nhiều người.
Người phụ nữ ngoài 60 tuổi này cho biết thêm, nhiều người tìm các mối thuê giúp việc theo giờ hoặc nếu thuê giúp việc chuyên nghiệp, tiền công cũng có thể lên tới 300.000-400.000 đồng mỗi buổi. Là giáo viên về hưu, thời gian rảnh nhiều, bà Lan quyết định giúp đỡ mọi người và kiếm thêm thu nhập.
Với một số gia đình, tình hình còn "bi đát" đến mức vợ hoặc chồng buộc phải nghỉ việc để ở nhà với con. Anh Tuấn Linh (Phương Mai, Hà Nội) cho biết, hai vợ chồng anh quyết định, lương ai thấp hơn thì người đó nghỉ ở nhà trông con. Hàng xóm nhà anh có con 8 tuổi thì bố trông ca sáng, chiều đến lượt mẹ, hôm sau đổi ngược lại.
Tại nhiều công sở, việc học sinh các cấp được nghỉ học cũng được cấp trên ủng hộ bằng cách ủng hộ cho con cái nhân viên đi làm cùng bố mẹ.
Tại một công ty truyền thông trên đường Cầu Giấy, rất nhiều nhân viên mang theo con trong ngày đi làm đầu tiên của tháng Hai. Các bé được bố trí chơi ở một khu riêng, thậm chí công ty còn cắt cử hai nhân viên phục vụ coi sóc và lo cơm nước cho các cháu.
"Chúng tôi nhắc nhở các cháu tránh gây ồn ào ảnh hưởng đến mọi người đang làm việc. Bình thường chúng chơi đùa với nhau rất ngoan, bố mẹ nhìn thấy con như vậy cũng yên tâm làm việc, hơn là để chúng ở nhà mà thấp thỏm không yên, ảnh hưởng đến công việc chung", chị Linh, người phụ trách nhân sự hành chính của công ty này cho hay.
Ở một số công ty khác, nhiều nhân viên cũng được cấp trên cho làm việc online tại nhà để có thời gian chăm con. Chị Thảo nhân viên một công ty du lịch cho biết, tầm này hàng năm là thời gian bận rộn nhất nhưng năm nay mọi việc lại đảo chiều khi rất ít khách đặt tour đi du lịch trước tình hình dịch bệnh.
"Sếp thông cảm vì có hai con nhỏ nên tôi được phép làm ở nhà. Dù vừa trông con vừa làm việc cũng vất vả nhưng tất cả vì sức khỏe của các con", chị Thảo nói rồi liếc sang hai con thở dài: "Mong dịch bệnh nhanh qua đi để mọi thứ được trở lại quỹ đạo của nó".
Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát tại Vũ Hán từ tháng 12/2019, sau đó lan ra toàn bộ 31 tỉnh thành Trung Quốc. Tới ngày 2/2, 304 người ở Trung Quốc và một người ở Philippines thiệt mạng, hơn 14.500 người nhiễm.
Tổ chức Y tế Thế giới hôm 31/1 tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Hiện ngoài Trung Quốc, 24 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có bệnh nhân nhiễm nCoV.
Ngày 1/2, Việt Nam công bố dịch.
Ngày: 3/2/2020 - đăng bởi: trungnt